Gắn logo, phù hiệu, dán đề can in số điện thoại… không khác gì xe taxi chính hãng, xe “taxi dù” đã và đang là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông. Đứng trước thực trạng trên, lực lượng CSGT đã tăng cường các Tổ công tác tuần lưu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
9h ngày 9-3, theo kế hoạch do Ban Chỉ huy Đội CSGT số 1 – Phòng CSGT (CATP Hà Nội) phân công, Đại úy Lê Quốc Khánh làm Tổ trưởng một Tổ công tác đảm nhận nhiệm vụ tuần lưu trên một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ xa, Tổ công tác phát hiện xe ôtô BKS 30A-702.5x gắn biển hiệu, logo của hãng taxi “V.N taxi” có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác ra tín hiệu dừng chiếc xe để kiểm tra hành chính.
Bước xuống xe, tài xế Phạm Đức Hoan, 30 tuổi, ở huyện Xuân Trường (Nam Định) phân trần: “Em có vi phạm lỗi gì đâu?”. Tuy nhiên, sau khi thấy Tổ công tác đề cập đến nguồn gốc, các giấy tờ liên quan đến hoạt động của chiếc xe, thì tài xế Hoan bỗng tỏ vẻ lo lắng.
Nhìn tấm biển hiệu gắn trên nóc chiếc xe cũng như đề can quảng cáo hãng xe có màu khác lạ, các thành viên trong Tổ công tác liền liên lạc tới số tổng đài của hãng taxi “V.N taxi”. Ít phút sau, nhân viên tổng đài của hãng taxi “V.N taxi” cho biết, chiếc xe trên không nằm trong danh sách các xe taxi của hãng.
Biết vi phạm của mình sẽ khó tránh khỏi việc bị xử lý, tài xế Hoan cho hay, bản thân là lái xe thuê cho một ông chủ khác và mong muốn Tổ công tác… nhẹ tay. Tuy nhiên, Tổ công tác đã lập biên bản xử lý với lỗi vi phạm “xe chở hành khách không có phù hiệu (biển hiệu) theo quy định”.
Theo Đại úy Lê Quốc Khánh, với lỗi vi phạm trên, ngoài hình thức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế còn bị tước giấy phép lái xe 2 tháng. Do vậy, khi bị phát hiện vi phạm, cánh tài xế xe “taxi dù” thường tìm cách bỏ chạy hoặc nại ra hàng loạt lý do để lực lượng CSGT “nương tay”.
Lúc 11h30 cùng ngày, tại nút giao thông Hàng Bài – Tràng Tiền, Tổ công tác của Đại úy Lê Quốc Khánh tiếp tục phát hiện tài xế Lê Văn Tình, SN 1975, điều khiển xe ôtô BKS 29A-313.8x “nhái” xe taxi hãng “P.N taxi”. Khi thấy Tổ công tác, tài xế định điều khiển xe quay đầu “né” chốt, nhưng không thành.
Chỉ tính riêng từ 9h30-14h ngày 9-3, đã có 4 trường hợp xe “taxi dù” vi phạm bị lập biên bản xử lý. Đại úy Nguyễn Minh Đức – Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) người trực tiếp chỉ đạo các Tổ công tác tuần lưu xử lý xe “taxi dù” vi phạm trên đường phố trong ngày 9-3 cho biết, số tài xế điều khiển xe “taxi dù” hoạt động thời gian qua đã sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để “né” lực lượng chức năng, khiến hành khách lạc vào mê hồn trận.
Cũng gắn logo, biển hiệu, dán đề can in số điện thoại, lắp đồng hồ tính cước như xe taxi chính hãng. Chiêu thức này khiến nhiều hành khách khi nhìn qua sẽ lầm tưởng là xe taxi chính hãng.
Theo Đại úy Nguyễn Minh Đức, qua tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm cho thấy, tài xế điều khiển xe “taxi dù” thường dừng – đỗ, “vợt” khách ở các điểm đông người ngoại tỉnh lui tới như: bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế v.v… thay vì lưu thông thường xuyên trên tuyến. Bởi xe “taxi dù” không có hệ thống điện đàm, hoạt động không theo sự sắp xếp, điều chỉnh của bất kỳ trung tâm điều phối nào. Tất nhiên, khi sử dụng loại phương tiện này, hành khách sẽ khó tránh khỏi hiện tượng “chặt chém”, tự ý nâng cước phí thông qua việc điều chỉnh đồng hồ tính cước không đúng quy định v.v…
Cùng chung quan điểm trên, Đại úy Phạm Văn Chiến – Đội phó Đội CSGT số 3 cũng nêu ý kiến, bên cạnh việc bị “chặt chém” tiền cước phí, trong quá trình sử dụng xe “taxi dù” nếu bị tai nạn hoặc xuất hiện các tranh chấp, quyền lợi của hành khách sẽ không được đảm bảo.
Do vậy, khi sử dụng xe taxi, hành khách cần chú ý biển hiệu, kiểm tra thẻ tài xế, số điện thoại đường dây nóng có trên xe. Nếu thấy tài xế có biểu hiện nghi vấn cần xác minh lại thông qua số điện thoại dây nóng hoặc báo ngay cho lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông… nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.